Chúng ta đều hiểu tầm quan trọng của trải nghiệm thiên nhiên đối với trẻ. Nhưng có thể sẽ chưa hình dung được cụ thể việc trải nghiệm thiên nhiên tốt cho trẻ ở những mặt nào.
VÌ SAO TRẢI NGHIỆM THIÊN NHIÊN QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI TRẺ?
Trải nghiệm thiên nhiên cực kỳ quan trọng đối với giai đoạn 2-6 tuổi, được xem là giai đoạn hình thành nhân cách trẻ. Hình thành nhân cách nghĩa là hình thành nền tảng nhân cách cho cả về sau này. Vậy trải nghiệm thiên nhiên có vai trò như thế nào đối với quá trình này?
1 – Rèn luyện các giác quan
Năm giác quan của con người (thị giác, vị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác) sẽ được tôi rèn thông qua các kích thích từ môi trường thiên nhiên.
Những cảm xúc tự nhiên đến từ việc cảm nhận sự thay đổi bốn mùa của màu lá, của hương cỏ cây, của làn gió, mặt đất, v.v… sẽ là những kích thích rất phù hợp để nuôi dưỡng giác quan của trẻ.
Nếu trẻ chỉ ở trong môi trường phòng kín, nhiệt độ, ánh sáng đèn lúc nào cũng như nhau hay sàn nhà lúc nào cũng bằng phẳng an toàn thì trẻ không thể có được những kích thích phù hợp cho sự phát triển.
Không cần những hoạt động gì đặc biệt. Chỉ cần “đặt trẻ trong tự nhiên thôi cũng đủ đem lại cho trẻ những kích thích cần thiết cho việc nuôi dưỡng năm giác quan”.
2 – Rèn luyện các chức năng cần thiết cho cơ thể
Trẻ trong xã hội hiện đại được cho là hạn chế về khả năng vận động (sức chạy, sức ném, thể lực, v.v…). Việc thiếu vận động cũng sẽ dễ dẫn đến suy giảm miễn dịch và các bệnh do thói quen sinh hoạt khác.
Tuy nhiên khi ở trong thiên nhiên, trẻ sẽ được tôi rèn thân thể thông qua việc vui chơi, sức khoẻ tốt hơn và học được cảm giác thăng bằng.
Trong thiên nhiên luôn có những con đường gồ ghề và nhấp nhô. Đi trên những con đường gồ ghề nhấp nhô như thế này trẻ có thể học được cách giữ thăng bằng cơ thể.
Hơn nữa, qua những trò chơi như trèo cây, leo núi, chơi nước, trẻ có cơ hội được vận động toàn thân và rèn luyện cảm giác thăng bằng tốt hơn.
3 – Giúp trẻ học được kỹ năng giải quyết vấn đề
Những cơn mưa ào bất chợt, những cơn gió lớn, những ngày lạnh buốt, v.v…
Trong thiên nhiên luôn có những tình huống mà con người không thể kiểm soát được. Nếu ở trong phòng, nóng hay lạnh thì chỉ cần bật điều hoà là có thể giải quyết được. Nhưng trong thiên nhiên thì không thể nào làm vậy.
“Mưa rồi! Mặc áo mưa và chơi mưa thôi!”
“Hôm nay lạnh quá! Nhưng nếu mặc áo ấm và chạy nhiều thì sẽ ấm lên thôi”.
Chính nhờ có những vấn đề như vậy, trẻ sẽ học được cách giải quyết và tìm được câu trả lời.
Lưu ý rằng, cách can thiệp của người lớn cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình này. Nếu người lớn đưa ra ngay câu trả lời cho trẻ thì trẻ sẽ không học được kỹ năng giải quyết vấn đề.
Trong lúc chơi chắc chắn cũng sẽ có rất nhiều vấn đề.
“Mình muốn trèo cây giống bạn kia mà cây kia cao quá, làm sao bây giờ nhỉ?”
“Con đường này nhiều cỏ, khó đi quá, là sao để đi đây?”
Hãy để trẻ tự tìm câu trả lời co những vấn đề mà trẻ đối mặt. Trong môi trường thiên nhiên càng có nhiều vấn đề, trẻ càng có nhiều cơ hội suy nghĩ. Từ đó năng lực giải quyết vấn đề của trẻ sẽ tăng lên.
4 – Phát triển trí tưởng tượng, tính sáng tạo
Những thứ có trong thiên nhiên sẽ thiên biến vạn hoá tuỳ theo tưởng tượng của trẻ.
Hạt dẻ có khi là nguyên liệu món soup, có khi là viên thuốc trong trò chơi chữa bệnh, có khi trở thành đồng xu khi chơi đồ hàng.
Với những đồ chơi trong nhà trẻ dễ hình thành lối tư duy một chiều. Rau củ quả, dao thớt là đồ để chơi trò nấu ăn. Bộ đồ bác sĩ thì sẽ là đồ khi chơi trò bác sĩ.
Còn trong thiên nhiên, mọi thứ đều có thể biến thành bất cứ thứ gì. Điều này giúp trí tưởng tưởng, tính sáng tạo vốn đã phong phú của trẻ càng ngày càng phát triển.