Sân cát – thế giới trải nghiệm diệu kỳ của trẻ

Sân cát nhìn tuy đơn giản nhưng chứa đựng cả một thế giới kỳ diệu của trẻ thơ. Đó là thế giới mà trẻ có thể sáng tạo vô vàn trò chơi, giúp trẻ có nhiều trải nghiệm bổ ích. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy trẻ chơi sân cát thường rất tập trung và có nhiều biểu cảm say sưa, hào hứng.

SỨC HẤP DẪN CỦA SÂN CÁT

Sân cát phù hợp với nhiều lứa tuổi, trẻ có thể chơi một mình hoặc chơi cùng bạn. Trẻ tầm 1 tuổi sẽ chưa điều khiển chân tay thuần thục, nên bé chưa biết chơi những trò như đào, đắp đồi cát, mà chủ yếu sẽ chơi với đồ chơi cát. Trẻ tầm 2 trở đi sẽ biết nhào nặn, thay đổi hình dạng cát. Trò chơi phổ biến ở giai đoạn này là trộn cát với nước và nhào nặn. Qua đó, trẻ sẽ học được rằng, trộn nước vào sẽ làm cát cứng lại, học cách vo những viên đất ướt, bóp những viên đất đã khô dần. Trẻ hiểu được tính chất của cát và chơi những trò liên quan đến thay đổi hình dạng cát.

Trẻ say sưa chơi ở sân cát

Ở sân cát, trẻ sẽ có những trải nghiệm mang tính khoa học thông qua việc 1/ Dự đoán sự thay đổi -> 2/ Làm thử -> 3/ Làm đi làm lại. Trẻ sẽ hình dung thứ mình muốn làm, sau đó làm thử, nếu thất bại sẽ làm đi làm lại đến khi làm được. Ngoài ra, khi chơi ở sân cát, trẻ cũng sẽ thường cãi nhau hoặc tranh giành đồ chơi. Đó cũng là một trải nghiệm cần thiết giúp bé học cách xây dựng quan hệ, học được cách quan tâm và chia sẻ.

CHƠI CÁT GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN NHIỀU PHƯƠNG DIỆN

1/ GIÁC QUAN: Trẻ sẽ được cảm nhận bằng thị giác về sự thay đổi hình dạng của cát, rồi sau đó sẽ được trải nghiệm thông qua xúc giác của bàn tay, bàn chân, cảm nhận được sự khác nhau giữa cát khô, cát ướt, cát bùn, sự thay đổi nhiệt độ, v.v…

2/ TÂM HỒN: Sân cát đem đến cảm giác an tâm cho bé vì sân cát đón nhận và bảo vệ tất cả những chuyển động cơ thể của bé. Đây không chỉ là nơi để vui chơi náo động mà cũng rất thích hợp để trẻ tĩnh tâm.

3/ VẬN ĐỘNG: Khi chạy nhảy trên cát, trẻ cần phải giữ thăng bằng và cần chút cơ vận động. Ngoài ra thông qua các động tác đào hố, xách xô nước, v.v… trẻ cũng sẽ được tăng cường vận động.

4/ THAO TÁC: khi chơi với đồ chơi cát, trẻ cũng cần phải điều chỉnh lực của tay chân để có thể tạo hình theo ý muốn của mình, qua đó trẻ học được cách thao tác, cách sử dụng đồ chơi.

5/ NGÔN NGỮ: càng chơi nhiều trò chơi ở mức độ càng sâu, trẻ sẽ càng tăng cường vốn từ vựng. Qua việc mô tả những hành động hoặc những suy nghĩ của mình, trẻ được phát triển về khả năng giao tiếp.

6/ TÍNH TẬP THỂ: Trẻ sẽ học được tính tập thể thông qua những trò chơi cần sự phối hợp với nhau như cùng nhau đào mương, tưới nước, v.v…

7/ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG – TÍNH SÁNG TẠO: Trẻ sẽ có những tưởng tượng tạo hình cụ thể như đắp cát và trang trí lá cây để làm thành bánh kem, hoặc đắp đồi cát,v.v…, giúp trẻ phát triển tính sáng tạo.

8/ NHẬN THỨC: Trẻ học được nhiều điều từ sự thay đổi hình dạng của cát, về độ cứng độ mềm, độ to nhỏ, trạng thái của vật chất, v.v… và có thể thể hiện bằng ngôn từ của mình.

9/ NHỮNG PHÁT HIỆN CÓ TÍNH KHOA HỌC: Trẻ sẽ tìm được cách đào hầm sao cho không bị sập đồi cát, được thử sai nhiều lần để phát hiện ra những quy luật của tự nhiên, hình thành quy trình đưa ra giả thuyết và thực hành để kiểm chứng.

10/ KHẲNG ĐỊNH BẢN THÂN: Trẻ sẽ vui khi làm được như ý mình, khi thất bại thì thử đi thử lại đến khi làm được. Quá trình này giúp trẻ hình thành được tính kiên nhẫn, tính tập trung, sự tự tin và giúp trẻ khẳng định bản thân. Và nhiều điều bí ẩn khác … Mà có thể chỉ có trẻ mới khám phá hết. Sân cát nhìn đơn giản thế thôi …

Kokoro Kindergarten

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *